Tôi rất ân hận vì dồn hết tiền tích góp để xây nhà trên đất của bố mẹ chồng

Tôi rất ân hận vì dồn hết tiền tích góp để xây nhà trên đất của bố mẹ chồng.

“Tôi có thâm niên sống cùng mẹ chồng 13 năm, nhiều cay đắng đã trải qua, cuộc sống làm dâu của tôi còn kịch tính, hấp dẫn hơn phim nhiều” – chị Phượng chia sẻ.

Tôi rất ân hận vì dồn hết tiền tích góp để xây nhà trên đất của bố mẹ chồng
 Ảnh minh họa
Dưới đây là câu chuyện của chị Phượng và tình cảnh éo le của gia đình chị trong 13 năm sống cùng mẹ chồng:“Vợ chồng tôi có ba con nhỏ, hai gái và một trai. Tôi kể ra đây để trải lòng, không phải nói xấu mẹ chồng, chỉ nói đúng những gì mình đang phải chịu đựng. Mẹ chồng tôi 70 tuổi, trước đây bà làm công nhân may, giờ nghỉ hưu và có lương hưu. Khi tôi về sống tại gia đình chồng, bố chồng bất đồng quan điểm với mẹ chồng nên ông bà từ lâu gần như ly thân. Ông ở cùng gia đình chị chồng, chị là mẹ đơn thân. Còn bà sống cùng vợ chồng tôi. Chuyện là bà hay khẩu nghiệp, không giữ mồm miệng, hay chửi bới con cháu. Các cháu ngoại cũng xa lánh bà, không muốn gần gũi, cứ gặp là bà lại chửi nên chúng ít vào nhà tôi.Con gái lớn nhất của tôi 12 tuổi, đang ở tuổi dậ‌y th‌ì nên hay nghĩ ngợi. Hồi bé cháu rất vui vẻ, hoạt bát, tham gia nhiều đội múa hát tuổi mầm non. Khi vào học lớp một, cháu bị bà chửi nhiều nên sợ, có kể lại các câu bà chửi cho bố mẹ nghe. Vợ chồng tôi góp ý nhưng bà lồng lộn lên, xuống nhà túm cổ cháu và bảo: “Mày bé mà ăn nói điêu, đặt điều cho tao, tao nói thế bao giờ”. Cháu sợ quá vừa khóc vừa bảo: “Vâng, bà không nói”. Mẹ chồng bảo chúng mày nghe thấy chưa. Vợ chồng tôi gỡ tay bà khỏi con bé và nói: “Mẹ làm như vậy thì bố mẹ nó còn sợ chứ nói gì cháu nó còn bé”.Từ đó con tôi đi học về là bà lại chửi khiến cháu sợ. Các lần sau cháu toàn lân la sang hàng xóm, nghe thấy tiếng xe máy mẹ đi làm về mới dám xách cặp về nhà. Từ đó con bé trầm tính hẳn, ít nói, mặt mũi buồn phiền.

Mới đây lại xảy ra việc bà cầm dao dọa các cháu, con về mách bố mẹ. Khi chúng tôi nói chuyện, bà không thừa nhận và cứ gặp cháu lớn là lại gọi: “Con Điêu Thuyền, điêu hớt” khiến cháu sợ hãi và lo nghĩ. Tôi nhiều lần tâm sự và bảo cháu nghĩ đến những chuyện mới mẻ, vui vẻ, nhưng bà lặp lại nhiều lần khiến cháu ảnh hưởng tâm lý. Đây chỉ là một ví dụ thôi, còn trong cuộc sống rất nhiều chuyện mệt mỏi mà bà luôn lu loa, chửi bới rất thậm tệ. Tôi khuyên bà nên nhẹ nhàng với các cháu, bà bảo: “Đây từ xưa cua cáy, mắm tôm thối nó quen rồi, không nhẹ nhàng được”. Nhiều lần bà tức tôi, đi làm về tôi chào mà bà ngoảnh đi rồi lấy chổi hắt ra sân. Lúc đó tôi cũng chỉ ấm ức, khóc với chồng.

Tôi hiểu từ bé chồng phải sống trong đòn roi nhiều nên anh cũng có tính nhu nhược, thương vợ con mà không làm thay đổi được tính bà. Nhiều khi anh góp ý nhẹ nhàng có, căng thẳng có nhưng chốt lại sau các vụ nói chuyện là mẹ chồng kết luận: “Mày nói thêm, tao đánh chết bây giờ”. Đến nay anh vẫn còn vết sẹo ở chân do lúc bé bị bà đánh bằng chổi quét sân, nhiễm trùng rồi phải mổ. Sống một thời gian, tôi được biết bà rất nóng tính, cục súc, khi chửi nhau với ai sẵn sàng này nọ và dùng các từ ngữ bậy bạ nhất. Bà mâu thuẫn với rất nhiều hàng xóm, nhưng khi có người giảng hòa thì nhất quyết bà cãi và không bao giờ nhận lỗi hay những lời đã nói, đã chửi. Lâu dần họ xa lánh bà.

Thời gian sau vợ chồng tôi đề nghị bố chồng và chị chồng xem có thể đưa bà ra đó ở không, vì ở nhà luôn luôn căng thẳng bởi sự chửi bới của bà đối với con cháu. Bố và chị chồng không đồng ý vì không chịu được tính bà. Nói thêm là chúng tôi sống ở vùng ven, còn chị chồng sống trong thành phố. Khi quá sức chịu đựng, tôi tìm nhà thuê. Chúng tôi ở thuê cách nhà mẹ chồng khoảng 100m, khi đó bà cũng thay đổi tính nết hơn. Chúng tôi thỉnh thoảng vào ăn cơm và thăm nom bà nên cũng cảm thấy thoải mái. Thời gian ở thuê vợ chồng con cái tôi rất vui vẻ, đầm ấm, hạnh phúc. Tôi cũng tính cố gắng chắt bóp mua căn chung cư ở cho tiện.

Gần hai năm sau, bà phát bệnh tiểu đường, hay mệt mỏi, có hôm 4h sáng gọi vợ chồng tôi vào chăm vì ốm nặng. Sau vụ đó cả gia đình bên nội, bên ngoại cũng như xóm làng khuyên chúng tôi nên về ở cùng vì bà có mình chồng tôi là con trai, nếu có vấn đề gì thì chúng tôi lại ân hận cả đời. Thêm nữa, từ lúc chúng tôi chuyển ra ngoài bà cũng nghĩ lại, nền tính hơn. Tôi nghĩ cũng thương mẹ chồng, lại muốn mình sống tử tế với mẹ chồng để làm gương dạy bảo con cái, vì vậy tôi đồng ý quay về.

Thời gian đầu về ở cùng bà cũng nền tính hơn, số tiền chúng tôi tích góp rồi bàn bạc với gia đình phá nhà cũ đi, xây nhà mới để ở vì nhà đã xuống cấp nhiều. Sau bao cố gắng, vợ chồng cũng xây được căn nhà mới để ở. Tuy nhiên điều tôi lo ngại đã xảy ra: Tính nết mẹ chồng quay về như xưa, càng ngày càng quá quắt, con cái tôi đều sợ bà, cũng ảnh hưởng tính nết vì những câu chửi của bà. Đứa lớn nhất và đứa bé nhất không vui vẻ, không hoạt bát, luôn lo lắng sợ hãi. Đứa thứ hai lại học cái nết nói năng của bà nên hay cãi lại bà.

Với tôi, bà luôn soi mói, chấp nhặt, bị bà xúc phạm nên giờ tôi cũng chán nản. Tôi bắt buộc phải thay đổi để cứng rắn đáp trả lại bà, do vậy không khí gia đình luôn căng thẳng, mệt mỏi. Chúng tôi nhờ bố chồng và chị chồng khuyên bảo bà nhưng bố chồng từ lâu không ở cùng bà, chỉ dịp giỗ, tết ông với chị chồng mới về nhà một ngày rồi lại đi. Ông bảo tính bà từ xưa đến nay thế rồi, không thay đổi được, ông chán nên không thể ở cùng, cũng không khuyên được.

Tôi ân hận khi đã dồn hết số tiền tích góp để xây nhà trên mảnh đất của bố mẹ chồng. Giờ muốn mua ở ngoài cũng không còn khả năng. Chúng tôi mới mất tiền xây nhà, giờ đi thuê lại tốn kém, chuyển đi chuyển lại chỗ ở với ba đứa con cũng mệt mỏi, chật vật. Giá như ngày trước tôi cố mua căn chung cư gần nhà mẹ chồng, không về ở cùng mẹ chồng thì tốt biết mấy. Nếu không yên tâm khi bà sống một mình thì có thể lắp camera để tiện theo dõi, chăm sóc khi bà có vấn đề về sức khỏe. Khi viết ra những dòng này, tôi thấy rất bế tắc, cứ mãi vậy tôi sẽ stress nặng, con cái bị ảnh hưởng tâm lý. Phải làm sao để cải thiện cuộc sống hiện tại, rất mong nhận được lời khuyên của các bạn.”

Bài viết mới cập nhật:

Chia sẻ bài viết:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *