Giá vàng hôm nay (23/3): Vàng miếng, vàng nhẫn tiếp tục giảm
![]() |
Sáng nay giá vàng trong nước tiếp tục giảm thêm từ 300 – 400 nghìn đồng/lượng. Ảnh minh họa |
Thị trường thế giới
Giá vàng hiện tại đang giữ nguyên tại mốc 3.022,96 USD/ounce, không đổi so với phiên trước đó.
Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, tương đương với mức giá khoảng 92,574 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (25.802 VND/USD), vàng thế giới có giá khoảng 94 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Thị trường trong nước
Tại thời điểm 5:30 sáng 23/3, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 94,4-97,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 300 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua – bán so với hôm qua.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC niêm yết ở ngưỡng 94,4-97,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 300 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua – bán so với hôm qua. Hiện tại, giá vàng miếng tại SJC, Doji tăng 100 nghìn đồng/lượng so với tuần trước.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 94,8-97,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra, giảm 400 nghìn đồng/lượng ở chiều mua – giảm 300 nghìn đồng/lượng ở chiều bán so với hôm qua. Giá vàng miếng tại Bảo Tín Minh Châu tăng 300 nghìn đồng/lượng so với tuần trước.
Giá vàng SJC tại Phú Quý được doanh nghiệp giao dịch ở mức 94,6-97,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giá vàng giảm 300 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua – bán so với hôm qua.
Đối với vàng nhẫn, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 95,6-98,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); giảm 300 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua – bán so với hôm qua. Tính chung cả tuần, giá vàng nhẫn Tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tăng 1,7 triệu đồng/lượng so với tuần trước
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 96,1-98,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); giảm 300 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua – bán. Giá vàng nhẫn trơn BTMC tăng 1,1 triệu đồng/lượng so với tuần trước.
Dự báo
Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Rob Haworth, chiến lược gia cấp cao tại U.S. Bank Wealth Management, chia sẻ rằng để giá vàng tiếp tục tăng cao, thị trường cần phải đối mặt với nhiều bất ổn hơn nữa. Nếu không, giá vàng có thể sẽ khó duy trì được mức cao như hiện tại.
Haworth cho biết, với mức giá 3.000 USD/ounce, thị trường vàng đã phản ánh khá nhiều rủi ro tiêu cực về nền kinh tế toàn cầu và đồng USD. Ông dự đoán rằng, dù sự bất ổn kinh tế vẫn sẽ ở mức cao trong thời gian tới, nhưng đến một lúc nào đó, mọi thứ sẽ dần ổn định trở lại. Các thị trường sẽ tự điều chỉnh, và sự cân bằng trong thương mại toàn cầu sẽ được thiết lập lại./.
Cơn sốt vàng đạt đỉnh mới, giá rơi xuống 72-80 triệu trong trường hợp nào?
Giá vàng tăng vọt lên 100 triệu đồng/lượng, xô đổ tất cả kỷ lục đã thiết lập và các dự báo trước đó. Tuy nhiên, theo một trong 3 kịch bản dự báo giá vàng năm 2025, kim loại quý này vẫn có thể giảm về 72-80 triệu/lượng.
Dòng tiền đầu cơ sẽ rời thị trường vàng
Bàn về diễn biến thị trường vàng năm 2025, trong bài tham luận gửi hội thảo “Cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới” của tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 19/3, PGS.TS Trần Việt Dũng và nhóm nghiên cứu vĩ mô Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng), nhấn mạnh, vàng là loại hàng hóa đặc biệt, luôn có sức hút mãnh liệt đối với các tầng lớp xã hội.
Theo đó, năm 2025, giá vàng tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các yếu tố trong nước và quốc tế.
Nhóm chuyên gia chỉ rõ, giá vàng quốc tế tiếp tục ảnh hưởng tới giá vàng trong nước thông qua hoạt động nhập khẩu. Theo dự báo của Hội đồng Vàng Thế giới, giá vàng thế giới nhiều khả năng duy trì đà tăng trong năm 2025, nhưng với tốc độ chậm hơn năm 2024.

Ngoài ra, đồng USD cũng tác động đáng kể đến giá vàng trong nước thông qua giá vàng quốc tế và chi phí nhập khẩu vàng. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm 2025, đồng USD có thể suy yếu. Điều này sẽ tạo áp lực làm tăng giá vàng quốc tế.
Ngược lại, đồng USD hạ giá kéo tỷ giá USD/VND xuống, qua đó làm giảm chi phí nhập khẩu vàng và tác động đến giá vàng trong nước theo hướng giảm.
Tuy nhiên, chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát biến động tỷ giá, qua đó kiểm soát giá vàng, nhóm chuyên gia chỉ rõ.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam, bao gồm vấn đề về lãi suất và cung tiền, cũng ảnh hưởng đến khả năng đầu tư vàng trong nước. Cụ thể, lãi suất thấp có thể khuyến khích người dân chuyển dịch dòng vốn từ tiết kiệm sang các tài sản như vàng và bất động sản.
Tuy nhiên, năm 2025, với sự hồi phục của nền kinh tế và mặt bằng lãi suất ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, dự đoán lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ nhằm thu hút nguồn vốn trong dân, làm cơ sở tăng vốn cho vay. Khi mặt bằng lãi suất tăng sẽ góp phần kéo dòng vốn đầu cơ ra khỏi thị trường vàng.
Đồng thời, các chính sách quản lý thị trường vàng như siết chặt nhập khẩu, kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế… cũng làm giảm tình trạng đầu cơ và ổn định thị trường vàng trong nước.

Chưa kể, nhiều dự báo cho thấy trong năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khởi sắc nhờ vào kỳ vọng thăng hạng thị trường (VPBankS Research, 2024). Thị trường bất động sản cũng bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, được hỗ trợ bởi hành lang pháp luật mới và tâm lý người mua nhà cải thiện. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới giá vàng theo xu hướng giảm.
Giá vàng sẽ giảm về 72-80 triệu đồng/lượng?
Về giá vàng năm 2025, PGS.TS Trần Việt Dũng và nhóm nghiên cứu vĩ mô Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng đưa ra 3 kịch bản.
Trong đó, ở kịch bản cơ sở, giá vàng sẽ dao động từ 81-87 triệu đồng/lượng.
Với kịch bản tăng mạnh, nhóm nghiên cứu dự đoán giá vàng trong nước có thể tăng lên 88-92 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2025 và các dịp cao điểm.
Thế nhưng, trên thực tế, những ngày gần đây giá vàng trong nước đang biến động dữ dội theo giá thế giới. Đến chiều 19/3, vàng miếng SJC tiến sát ngưỡng 100 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn trơn vọt lên đỉnh cao mới 100,4 triệu đồng/lượng, xô đổ các kỷ lục đã thiết lập trước đó.
Ở ngưỡng này, giá vàng cũng vượt xa mức dự báo trong kịch bản cơ sở và kịch bản tăng mạnh bên trên của nhóm nghiên cứu.
Đáng chú ý, ngoài hai kịch bản tăng, PGS.TS Trần Việt Dũng và nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra một số yếu tố có thể kéo giá vàng trong nước giảm.
Cụ thể, giá vàng thế giới có thể giảm xuống mức 2.500-2.600 USD/ounce do các nền kinh tế lớn phục hồi nhanh chóng và các ngân hàng trung ương ưu tiên chính sách tiền tệ thắt chặt; đồng USD tăng giá mạnh; lãi suất trong nước tăng mạnh hơn dự kiến, kéo dòng tiền trở lại kênh tiết kiệm ngân hàng và giảm nhu cầu đầu tư vàng.
Theo đó, ở kịch bản này, giá vàng trong nước có thể giảm xuống mức 72-80 triệu đồng/lượng; có khả năng giảm nữa khi nhu cầu tích trữ và đầu tư trong nước giảm mạnh.
Về trung và dài hạn, PGS.TS Trần Việt Dũng cho rằng dư địa tăng của giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ nới lỏng và tình hình bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây cũng là yếu tố tích cực đối với giá vàng.